St. Vincent Liem Parish

Lời Quý Cha

  Feb 8th, 2018

LINH ĐẠO GIÁO DÂN (phần II)

Nếu người giáo dân có vị thế căn bản trong Giáo Hội, thì cũng có một linh đạo dành riêng cho họ. Linh đạo này được đặt nền trên Bí tích Thanh Tẩy.

1. Nền tảng căn bản: Bí tích Thánh Tẩy

Khi lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, người Kitô hữu được chia sẻ ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô. Tuy nhiên, người giáo dân, do tính cách trần thế, đã hành xử 3 chức vụ này khác với hàng giáo sĩ. Chúng tìm hiểu nét đặc thù của từng vai trò đó.

a. Vai trò tư tế

Chúa Kitô là vị thượng tế duy nhất, duy mình Người mới có thể dâng lên Chúa Cha hiến lễ đích thực có giá trị vĩnh viễn cứu độ con người. Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng trao quyền tế lễ cho các thừa tác viên của Người khi thiết lập tác vụ linh mục. Để thi hành chức vụ này cách trọn vẹn, Đức Giêsu mời gọi một dân là Giáo Hội, dân được thánh hoá để trở thành dân thánh, dân tư tế (x. 1 Pr 2,9).

Người giáo dân được chia sẻ chức tư tế Chúa ban cho Giáo Hội, gọi là chức tư tế cộng đồng.[17] Nhờ chức tư tế này, người giáo dân có thể thực sự thánh hoá đời sống mình, thánh hoá mọi sinh hoạt trần thế, mọi chức vụ, và ngay cả những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Tất cả được kết hợp với hiến tế duy nhất của Đức Kitô, dâng lên Chúa Cha, để nên lời ca khen chúc tụng cũng như mang lại ơn cứu độ cho chính mình và cho nhân loại.[18]

Mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công việc làm hằng ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần và cả đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô.[19]

b. Vai trò ngôn sứ

Ngôn sứ hay tiên tri là những người được Chúa tuyển chọn, thay mặt Chúa để nói Lời và ý muốn của Người cho nhân loại. Đức Giêsu là vị ngôn sứ vĩ đại, Người đến và nói “những điều đã nghe biết nơi Chúa Cha”. Đức Giêsu là điểm thành toàn của tất cả các ngôn sứ; nói cách khác, tất cả các ngôn sứ đều là chuẩn bị và loan báo Đức Giêsu sẽ đến. Người giáo dân tham gia vào chức vụ ngôn sứ của Đức Giêsu bằng cách góp phần vào sứ vụ loan báo ý định cứuđộ của Thiên Chúa cho nhân loại: họ bày tỏ đức tin và đức ái cho những người chung quanh, trong lĩnh vực nghề nghiệp, và nhất là trong đời sống gia đình.

Được thánh hoá do Bí tích Hôn Nhân, hai vợ chồng cùng làm chứng cho nhau và con cái về lòng tin và tình yêu của Chúa, để cho gia đình Kitô giáo vừa là nơi huấn luyện tuyệt diệu cho công cuộc tông đồ, vừa bày tỏ sức mạnh của Tin Mừng giữa lòng thế giới.[20]

Thiết tưởng vai trò ngôn sứ của người giáo dân trong thời đại hôm nay, còn là đọc ra ý định của Thiên Chúa qua dấu chỉ và các biến cố của thời đại, một thời đại đầy biến động, đổi thay chóng mặt. Thiên Chúa vẫn ngỏ lời với con người, nhưng điều quan trọng là con người có nhận ra và đáp trả hay không.

c. Vai trò vương giả

Đức Giêsu đã vâng phục Chúa Cha cho đến chết. Khi mọi sự hoàn tất, khi Người tiêu diệt hết mọi quản thần, quyền thần và dũng thần, Người trao lại vương quyền cho Thiên Chúa là Cha, để Thiên Chúa nên tất cả trong mọi sự và cho mọi người (x. 1 Cr 15,20-28).

Khi lãnh nhận chức vụ vương giả của Đức Kitô, người giáo dân được hưởng một sự tự do đích thực, tự do hào hùng của con cái Chúa, không còn làm nô lệ cho ác thần, và được ban sức mạnh để chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi mình. Chức vụ vượng giả này cũng thúc đẩy người giáo dân có trách nhiệm phải hăng say hoạt động để đưa tất cả mọi anh em của mình về với Thiên Chúa.

Để thi hành vai trò này, Công đồng nhắc nhở người giáo dân cần phải nhận biết bản tính sâu xa của các thụ tạo, cứu cánh của chúng phải hướng về Thiên Chúa, chờ đợi ngày Thiên Chúa cứu độ trọn vẹn; cho nên người giáo dân giữa môi trường trần thế, cần phải nỗ lực làm cho trần gian thấm nhuần ơn cứu độ của Đức Kitô và đạt tới cùng đích cách hữu hiệu hơn trong công lý, hoà bình và bác ái.[21]

2. Sứ mạng thánh hoá trần thế

Có thể nói sứ mạng đặc trưng của người giáo dân là thánh hoá trần thế, là nên men, nên muối cho đời.

a. Lời mời gọi nên thánh của mọi Kitô hữu

Nên thánh không phải là đặc quyền của riêng thành phần nào, tất cả mọi người đều được mời gọi trở nên hoànthiện, và phải trở nên hoàn thiện. Các phương tiện nên thánh của người giáo dân cũng là những phương chung cho tất cả mọi tín hữu: đời sống nhân đức, được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và các bí tích, việc cầu nguyện, hy sinh, bác ái… và những sinh hoạt hằng ngày; nhờ thế, toàn thể cuộc đời trở nên hiến tế tinh tuyền đẹp lòng Chúa và góp phần thánh hoá nhân loại.[22]

Người giáo dân nên thánh trong những điều kiện cụ thể của cuộc sống: nơi gia đình, nơi phố chợ, nơi công sở… Nhờ sống đạo giữa lòng nhân loại như vậy, họ góp phần tích cực “Tin Mừng hoá” thế giới; một thế giới còn quá nhiều chọn lựa nghịch với giá trị của Tin Mừng. Nét đặc trưng của người giáo dân là nên thánh gữa đời, giữa những xô bồ náo nhiệt chứ không phải nơi sa mạc hoang vu hay tu viện bốn bề yên tĩnh.

b. Tính cách trần thế trong sứ sứ mạng của người giáo dân

Đức Piô XII, trong bài phát biểu tại đại hội thế giới năm 1957, đã đưa ra những nhận định khá rõ nét về tính cách đặc thù trong sứ mạng của người giáo dân:

Mối tương quan giữa Giáo Hội và thế giới đòi phải có sự can thiệp của các tông đồ giao dân. Việc “thánh hiến trần gian”, trong cốt yếu, chính là công việc của người giáo dân, là những người hoà nhập một cách chặt chẽ vào đời sống kinh tế xã hội.

Nhìn lại lịch sử nhân loại, sau đệ nhị thế chiến, trước một xã hội đổ vỡ tan nát nhưng cũng đang manh nha nhiều yếu tố mới mẻ, Đức Gioan XXIII đề cập đến vai trò người giáo dân như là lời đáp trả tiếng kêu khẩn thiết của thế giới:

Giáo Hội hôm nay phải đương đầu với một trách nhiệm lớn lao: đem sắc thái nhân bản và Kitô giáo vào trong nền văn minh hiện đại, sắc thái mà nền văn minh này đòi hỏi và dường như khẩn khoản nài xin, nhằm lợi ích phát triển và sự hiện hữu của nền văn minh ấy. Giáo Hội chu toàn cách trách nhiệm ấy, đặc biệt nhờ các giáo dân, là những người phải cảm thấy mình dấn thân vào việc thực hiện những hoạt động nghề nghiệp như là việc chu toàn một nghĩa vụ, như là một dịch vụ mà do họ thực hiện trong sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, trong Đức Kitô, để làm vinh danh Người.[23]

Như vậy, với vị thế đặc biệt của mình, người giáo dân có thể thi hành những sứ mạng mà hàng giáo sĩ không thể nào chu toàn nổi. Họ đang là men Tin Mừng, là muối ướp trần gian. Người giáo dân đang nỗ lực xây dựng Nước trời ngang qua những nẻo đường trần thế, họ là lời nhắc nhở một thời cánh chung đã khởi đầu và đang tiến về sự viên mãn. Lời của Đức Gioan Phaolô II, trong bài giảng bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục 1987, càng cho ta xác tín hơn sứ mạng đặc thù của người giáo dân:

Người tín hữu giáo dân được đặt vào tận biên thuỳ của lịch sử: gia đình, văn hóa, xã hội, thế giới lao động, kinh tế, chính trị, khoa học, kỹ thuật, truyền thông đại chúng, những vấn đề lớn của sự sống, của liên đới, hoà bình, đạo đức nghiệp vụ, nhân quyền, giáo dục, tự do tôn giáo.

3. Những thách đố

Ở trên, chúng ta đã phác thảo linh đạo của người giáo dân dựa trên nền tảng căn bản là bí tích Thánh tẩy; thực ra, Bí tích Thánh Tẩy là nền tảng chung cho mọi Kitô hữu, chẳng kỳ họ là giáo dân hay giáo sĩ. Thiết tưởng ngay trong cách phân chia này, dù có nhìn tích cực đến đâu, người giáo dân vẫn bị xếp hạng. Phải nói rằng Công đồng Vatican II đã có bước đột phá rất lớn trong việc xác định lại vai trò của người giáo dân trong Giáo Hội, đưa ra những suy tư định hướng cho một nền linh đạo giáo dân; tuy nhiên, đây mới chỉ là lý thuyết, hay những biểu ngữ sáo rỗng; về phương diện thực hành, Công đồng không đưa ra những chỉ dẫn cụ thể để người giáo dân có thể tham gia một cách tích cực vào những tác vụ của Giáo Hội;[24] cho nên sứ mạng chung của cả Giáo Hội vẫn thường bị coi như là công việc riêng của hàng giáo sĩ, đặc biệt là trong công tác quản trị.

Một chút nhìn lại lịch sử, trong thiên niên kỷ thứ nhất, giáo dân và giáo sĩ phát triển song hành; bước sang thiên niên kỷ thứ hai, hình ảnh người giáo dân mờ nhạt, hàng giáo sĩ thượng tôn. Nếu dự đoán một chút về tương lai, phải chăng thiên niên kỷ thứ ba này phải là thiên niên kỷ của người giáo dân? Phải chăng cần một lối nhìn thần học mới về người giáo dân, tránh những địa vị, chức tước quá nhiều? Ở một số vùng sâu xa hẻo lánh, người giáo dân được chia sẻ một số tác vụ mà từ trước đến nay chỉ dành riêng cho hàng giáo sĩ, ví dụ như: quản trị cộng đoàn, trao Mình Thánh Chúa, thăm viếng và trao Của Ăn Đàng cho kẻ liệt…; tuy nhiên, những tác vụ này chỉ được thực thi một cách ngoại thường, như một biện pháp chữa cháy, chứ không phải là tác vụ chính thức người giáo dân được trao phó.

Cũng có những trường hợp người giáo dân lạm dụng chức quyền, chi phối cả những hoạt động của Giáo Hội. Điều này đã từng xảy ra trong lịch sử Giáo Hội: Vào thế kỷ 10, người giáo dân có quyền bầu giám mục; và rồi nhiều giáo dân có vai vế, xen mình cả vào việc bầu giáo hoàng. Do vậy, từ thế kỷ 11, Giáo Hội dần dần bị cơ cấu hoá và dẫn đến tình trạng giáo sĩ trị, quyền bính của hàng giáo sĩ ngày càng được củng cố và đẩy lui vị trí của người giáo dân. Tình trạng thái quá bất cập này còn được Công đồng Trentô củng cố vững mạnh hơn nữa. Suốt cả 10 thế kỷ, người giáo dân một cách vô tình chỉ được coi là một Kitô hữu hạng hai; cho tới Vatican II, lối nhìn này mới được đặt lại. Tuy nhiên, để có thể thay đổi não trạng, cả về phía giáo sĩ lẫn giáo dân, cần phải có một “cuộc cách mạng” và phải cần thời gian nữa.

KẾT LUẬN

Thánh Âutinh nói: “Làm giám mục cho anh em, tôi rất sợ; làm tín hữu đối với anh em, tôi rất an tâm. Giám mụclà một chức vụ, tín hữu là một ân phúc. Giám mục là một danh hiệu nguy hiểm, tín hữu là danh hiệu đem lại ơn cứu độ”.

Quả thực, ơn gọi căn bản và cao quý nhất của mỗi người, đó là ơn gọi được làm Kitô hữu. Qua Bí tích Thanh Tẩy, người tín hữu được tháp nhập vào Thân thể Mầu nhiệm của Đức Kitô, được quy tụ thành dân Thiên Chúa, được chia sẻ 3 chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô. Dù là giáo dân hay giáo sĩ, tất cả đều bình đẳng và được trân trọng như những bộ phận khác nhau trong cùng một thân thể. Mỗi bộ phận có chức năng riêng, nhưng tất cả đều nhằm phục vụ cho lợi ích chung. Có lẽ trong thiên niên kỷ thứ ba này, cần phải triển khai ơn gọi là Kitô hữu, như ơn gọi nền tảng của mọi thành phần dân Chúa, và đặc biệt phải giúp người giáo dân nhận ra phẩm giá và vai trò đặc biệt của mình là một Kitô hữu sống ơn gọi giáo dân, cũng như những Kitô hữu khác sống ơn gọi tu sĩ, linh mục.

Chính từ ý thức này, người giáo dân dấn thân vào trần thế như một chức năng riêng biệt. Ứng với từng hoàn cảnh cụ thể, tuỳ theo nghề nghiệp, tuổi tác, tình trạng bản thân, môi trường văn hoá, kinh tế, chính trị… người giáo dân phải thích ứng và đem vào đó những giá trị Tin Mừng.

Lm. Giuse Phạm Quốc Văn, O.P.

Các Bài Viết Khác: