St. Vincent Liem Parish

Lời Quý Cha

  Jun 25th, 2018

CẦU NGUYỆN TRONG GIA ÐÌNH

Những nguồn mạch của cầu nguyện

Trong đời sống Kitô hữu, có những nguồn mạch, ở đó Đức Kitô đang đợi chờ để ban Thánh Thần cho ta[5]. Sau đây là một số nguồn mạch chính yếu :

1. Lời Chúa

Công đồng Vaticanô II đã khuyến khích các Kitô hữu: “Mọi người cũng nên nhớ rằng kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì “chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh”[6].

2. Phụng vụ của Hội Thánh

Kinh nguyện tiếp nhận Phụng vụ và đồng hóa với Phụng Vụ trong khi và sau khi được cử hành. Dù con người cầu nguyện nơi kín đáo (Mt 6, 6), lời nguyện của họ vẫn là lời kinh của Hội Thánh, là sự hiệp thông với Ba Ngôi Chí Thánh[7].

3. Các nhân đức đối thần

Đức tin giúp ta đón nhận Chúa xuyên qua các dấu chỉ về sự hiện diện thần linh, tìm kiếm và trông mong Thánh Nhan Chúa, lắng nghe và suy niệm lời Ngài. Đức cậy là thái độ phải có khi cầu nguyện, đồng thời được dưỡng nuôi nhờ cầu nguyện. Vì vậy, Thánh Phaolô đã nguyện xin “Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an để nhờ quyền năng Thánh Thần anh em được tràn trề hy vọng” (Rm, 15,13).

Đức mến là suối nguồn của đời cầu nguyện, vì đức mến lôi kéo mọi sự vào trong Tình Yêu Thiên Chúa và làm cho ta có thể yêu mến Ngài như Ngài yêu mến ta. Vì thế, ai để cho đức ái hướng dẫn, người ấy sẽ đi tới đỉnh cao của cầu nguyện.

4. Cái “hôm nay”

Khi dạy ta cầu nguyện, Chúa Giêsu cũng dạy về sự quan phòng của Chúa Cha (Mt 6, 11.34). Thời gian là của Chúa Cha, chúng ta gặp được Ngài trong hiện tại, không phải hôm qua hay ngày mai, nhưng chính hôm nay: “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa! Đừng cứng lòng” (Tv 95, 7-8). Khi ta cầu nguyện khởi đi từ cái hôm nay của đời thường, ảnh hưởng của Nước Chúa thấm vào trong dòng chảy của cuộc đời, và kinh nguyện trở thành men làm cho cả nắm bột cuộc đời dậy lên một sức sống mới.

Cầu nguyện trong gia đình

Gia đình Kitô hữu là nơi đầu tiên để học cầu nguyện. Được xây dựng trên bí tích Hôn Phối, gia đình là “Hội Thánh thu nhỏ”, là nơi con cái Thiên Chúa học cách cầu nguyện. Đặc biệt với các trẻ nhỏ, kinh nguyện hằng ngày của gia đình là chứng từ đầu tiên về ký ức sống động của Hội Thánh luôn được Chúa Thánh Thần nâng đỡ[8].

Hội Thánh đề ra cho các tín hữu những dịp cầu nguyện để nuôi dưỡng đời sống nội tâm. Nhịp cầu nguyện hằng ngày là kinh tối và kinh sáng, trước và sau các bữa ăn. Trong đời sống gia đình, ta có thể cầu nguyện chung và cầu nguyện riêng. Cầu nguyện chung

Giờ Kinh chung của gia đình chính là giờ “ngồi bên nhau” và “cùng nhau ngồi bên Chúa” là giờ của chân lý, là một khám phá kỳ diệu, là một liều thuốc thần tiên. “Kinh nguyện chung trong gia đình có nội dung độc đáo là chính cuộc sống của gia đình. Qua những tình huống thay đổi của cuộc sống ấy, chính Thiên Chúa đang mời gọi và gia đình tín hữu đáp trả lại với đầy lòng hiếu thảo. “Những chuyện vui buồn, hy vọng và sầu khổ, ngày sinh và ngày cưới, những người đi vắng trở về, những chọn lựa quan trọng và ngay cả cái chết của người thân yêu... tất cả đều là những dấu hiệu về sự hiện diện ưu ái của Thiên Chúa trong cuộc sống gia đình. Những biến cố ấy phải là những dịp để gia đình tạ ơn, khấn nguyện, tin tưởng phó thác vào bàn tay Cha chung trên trời”[9].

Trong gia đình, các thành viên càng cầu nguyện chung với nhau, càng hiệp nhất bền chặt vì cảm nhận được sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu : “Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19- 20).

Trong tông thư “Kinh Mân Côi”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói: “Gia đình cùng nhau cầu nguyện là gia đình cùng nhau chung sống... Những phần tử của mỗi gia đình, khi hướng mắt nhìn lên Chúa Giêsu, cũng lấy lại được khả năng nhìn vào mắt của nhau, khả năng nói chuyện với nhau, khả năng tha thứ cho nhau, và khả năng nhìn thấy giao ước yêu thương của họ được canh tân trong Thần Linh Chúa”[10].

Lợi ích của giờ kinh chung: Giờ kinh chung của gia đình là cơ hội để mọi người thánh hoá sinh hoạt hằng ngày:

- Tạ ơn vì các hồng ân lãnh nhận trong ngày.

- Dâng niềm vui, nỗi buồn, dâng mồ hôi nước mắt, những thành công, thất bại trong ngày như hy tế để xin Chúa đón nhận, thanh tẩy, đỡ nâng và chúc lành.

- Là cơ hội để vun xới tình gia đình: hiệp thông với những người thân yêu đã khuất, những người vắng mặt; cầu nguyện cho những nhu cầu của nhau; xin lỗi và tha thứ cho nhau, thông cảm, giúp nhau mỗi ngày một hoàn thiện hơn.

- Và cũng là cơ hội thuận tiện để cha mẹ dạy dỗ, hướng dẫn con cái về mặt nhân bản cũng như về mặt đức tin. Việc giáo dục của cha mẹ không chỉ bằng lời nói mà còn bằng chính gương sống.

Tại Việt Nam, cầu nguyện chung trong gia đình qua các giờ kinh tối và kinh sáng là một truyền thống đạo đức rất tốt đẹp đã ăn rễ sâu trong các gia đình Công giáo. Tuy nhiên, truyền thống này đang bị mai một dần do ảnh hưởng của nếp sống đô thị hoá hiện nay.

Để vượt qua những cản trở cho việc cầu nguyện chung trong gia đình, vào buổi tối, cần thu xếp giờ kinh thật sớm để tiện cho mọi người, nhất là trẻ em có thể tỉnh táo. Nếu không được, cần hướng dẫn cho trẻ em cầu nguyện trước. Khi cầu nguyện nguyện chung, cần tạo bầu khí trang nghiêm và ấm cúng, thực sự gặp gỡ và đối thoại với Chúa.

Nguồn: simonhoadalat.com

Các Bài Viết Khác: