St. Vincent Liem Parish

Lời Quý Cha

  Jul 9th, 2018

Lễ Hội Trong Đời Sống Gia Đình

Anh Chị Em thân mến,

Niềm vui là chữ xuất hiện trong tiêu đề tất cả ba tông huấn được đức thánh cha Phanxicô ban hành. Nếu tông huấn Niềm vui tin mừng nhấn mạnh căn tính của kitô hữu, tông huấn Niềm vui hoan hỷ hướng đến niềm vui vĩnh cửu, thì tông huấn Niềm vui tình yêu làm nổi bật lên niềm vui gia đình. Như thế có thể nói niềm vui là một nội dung giáo huấn nổi bật của đức Phanxicô. Trong một bài giảng mùa vọng 2017, ngài nói : “kitô hữu là người mang trong mình niềm vui, chứ không phải vẻ mặt đưa đám”. Chủ yếu dựa trên tông huấn niềm vui tình yêu, xin chia sẻ ba nội dung về lễ hội ngày chúa nhật, lễ hội truyền thống và những sáng kiến ngoại lệ.

Niềm vui có Chúa hiện diện

Trong tông huấn Niềm vui tình yêu, đức Phanxicô viết : “Gia đình có thể biến thành một khung cảnh để cử hành sự hiện diện của Chúa Kitô tại bàn ăn. Như lời sách Khải Huyền : ‘Này Ta đã đứng bên cửa và Ta gõ ! Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào với nó, và Ta sẽ dùng bữa tối với nó và nó với Ta’” (Kh 3, 20).

Ở đây ta thấy, trong bữa ăn gia đình, căn nhà ngập tràn niềm vui vì sự hiện diện của Thiên Chúa, cùng với lời nguyện cầu và chúc phúc của thánh vịnh 128 : “Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người. Xin Chúa từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu.” (Tv 128, 4-6). [1]

Biết dành thời giờ quan tâm đến nhau

Tông huấn nhấn mạnh : “Lòng yêu thương cần thời gian và không gian; mọi điều khác đều là thứ yếu. Thời gian cần để thảo luận, để ôm nhau không vội vã, để chia sẻ các dự tính, để lắng nghe, để nhìn nhau, để góp ý cho nhau, để tăng cường mối liên hệ ... Nên nghĩ cách giúp các vợ chồng trẻ dành tối đa thời giờ cho nhau, hiện diện với nhau, thậm chí chia sẻ các giây phút thinh lặng có ý nghĩa với nhau. (NVTY 224)

Tông huấn nhắc đến tiếng reo vui của ông tổ Adam “đây là thịt bởi thịt tôi”. Trong cuộc sống vợ chồng, cả những lúc khó khăn, người này vẫn luôn có thể gây ngạc nhiên cho người kia. Lòng yêu thương giúp họ dành cho nhau sự kiên nhẫn phát xuất từ chính Thiên Chúa. (NVTY 221)

Tông huấn đề ra một số gợi ý như: “sắp xếp thì giờ rảnh rỗi với nhau, giờ khắc giải trí với con cái, những hình thức cử hành các biến cố quan trọng, chia sẻ các cơ may lớn lên về tâm linh...” Tông huấn cảnh giác: “Một khi cặp vợ chồng không còn biết cách dành thì giờ với nhau, kết cục một hay cả hai người sẽ vùi đầu vào những túi đồ phụ tùng, tìm các cam kết khác, tìm vòng tay của một ai khác, hay đơn giản tìm cách trốn chạy điều đã trở nên sự gần gũi gây khó chịu”. (NVTY 225)

Những ngày truyền thống gia đình

Thực thi lời khuyên của tông huấn “Hãy dành thời giờ cho nhau”, trước tiên các gia đình cần quan tâm đến những ngày giỗ tổ và ngày tết. Với người Việt, chắc chắn lễ Tết là cơ hội đặc biệt để phát huy tình cảm gia đình. Ngày đầu xuân mọi người đều cố gắng về đoàn tụ gia đình, để chúc tuổi ông bà cha mẹ, và gửi đến cho nhau những lời nguyện chúc tốt đẹp nhất.

Kế đó nên tổ chức ngày giỗ tổ, ngày sum họp các gia đình cùng một gốc tổ, ngày hội ngộ của dâu rể, con chú con bác và cháu chắt nội ngoại. Do hoàn cảnh phân tán làm ăn tại nhiều nơi, đây là cơ hội quý giá để nhận biết họ hàng thân thích, để được gắn kết với truyền thống gia tộc, để cùng cầu nguyện và ôn lại các ký ức của những bậc tiền nhân.

Những sáng kiến ngoại lệ

Các gia đình còn có rất nhiều cơ hội để thực hiện tông huấn. Đó là ngày sinh nhật và bổn mạng của từng thành viên, ngày dành cho mẹ (chúa nhật thứ hai tháng 5), ngày của cha (chúa nhật thứ ba tháng 6), ngày tết trung thu và quốc tế thiếu nhi (1/6)... Hoặc những ngày đặc biệt của cá nhân như kỷ niệm hôn phối, tốt nghiệp ra trường, rước lễ lần đầu, hay lãnh bí tích thêm sức. Không cần điều gì lớn lao, nhưng nên có một chút thay đổi trong bữa ăn, một món quà nhỏ, một lời chúc mừng, hoặc một ý nguyện trong giờ kinh.

Tông huấn viết : Niềm vui của tình yêu thương gia đình này cần được vun xới. Vì chúng ta được tạo nên để yêu thương, và không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui được chia sẻ : Hãy cho, hãy nhận, hãy cư xử tốt với nhau (Hc 14:16). Quả là niềm vui và an ủi lớn lao khi đem được niềm vui cho người khác, và thấy họ sung sướng. Niềm vui này không phải là niềm vui của kẻ ích kỷ chỉ biết đến mình, mà là hoa trái của lòng yêu thương, là niềm vui mang điều tốt lành cho những người mình yêu, hiến thân cho họ cách tự do và nhờ thế mà được trở nên phong phú. (NVTY 129)

Thánh hóa ngày chúa nhật

Một nội dung được các đại hội gia đình thế giới gần đây nhấn mạnh góp phần bảo vệ, duy trì và phát triển niềm vui, tình yêu và hạnh phúc gia đình đó là thánh hóa ngày chúa nhật. Hội thánh mong muốn các gia đình khám phá và sống ý nghĩa ngày chúa nhật, chứ không chỉ tuân giữ theo luật buộcTrước hết, chúa nhật tiếp nối và làm trọn vẹn ý nghĩa ngày hưu lễ của Cựu ước, ngày tưởng nhớ công trình sáng tạo của Chúa. Ngài “chúc lành và làm cho ngày này trở thành một ngày thánh” (St 2,2-3). Kế đến là từ giao ước Sinai, hưu lễ trở thành biểu tượng của đoàn dân tự do đã thoát khỏi cảnh nô lệ : "Ngươi không được làm gì, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều trong thành" (Xh 20,8-10). Bước sang Tân ước, ngày thứ nhất trong tuần là ngày các tông đồ gặp Đức Giêsu phục sinh, ngày tưởng niệm, cử hành và tái hiện mầu nhiệm ơn Cứu Độ.

Mỗi tuần các gia đình hãy ưu tiên ngày chúa nhật để gặp gỡ Đức Kitô phục sinh trong thánh lễ, dành nhiều thời giờ cho nhau : chia sẻ, sinh hoạt, giải trí, và hiệp thông bữa cơm gia đình. Chúa nhật cũng là ngày để mở rộng tình thân đến họ hàng nội ngoại, đến các gia đình trong giáo xứ, đến bà con lối xóm, và đến với những người cùng khổ

Như thế ngày chúa nhật giúp ta định hướng những giá trị thiêng liêng cho các việc làm hằng ngày, ngày thảnh thơi với Chúa với bản thân và với tha nhân. Thánh hóa ngày chúa nhật chính là khẳng định quyền tối thượng của Thiên Chúa, thăng tiến tâm linh và sống hiệp thông huynh đệ. Lễ hội đem đến niềm vui và thánh hóa các gia đình.

Nguồn: Daminhvn.net

Các Bài Viết Khác: