St. Vincent Liem Parish

Lời Quý Cha

  Oct 19th, 2018

SUY NIỆM LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Bước vào tháng Mười, tháng Mân Côi, hình ảnh Đức Mẹ Mân Côi, một tay bồng Chúa Giêsu Hài Ðồng, còn tay kia thì trao tràng chuỗi Mân Côi cho thánh Ðaminh. Hình ảnh ý nghĩa này dìu chúng ta về với Đức Maria đầy ơn phúc, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta.

1. Đức Maria đầy ơn phúc

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, dựa trên trang Tin Mừng (Lc 1,26-38) dìu ta về với “Đức Maria đầy ơn phúc”. Mẹ có phúc trước hết là vì Mẹ đã đón nhận hồng phúc khi thưa “xin vâng”. Mẹ có phúc vì Mẹ có Thiên Chúa ở cùng. Mẹ có phúc vì Mẹ đã cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và làm Mẹ Chúa Giêsu là Quả Phúc lòng Mẹ. Phúc của Mẹ thật cao với khôn sánh, nên Giáo hội không ngớt lời lặp đi lặp lại lời mừng chúc “Kính mừng Maria đầy ơn phúc” để tôn vinh Mẹ. Nếu yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trong đời, thì Đức Maria rất hạnh phúc khi được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và chính Mẹ cũng đầu tư vốn liếng cuộc đời, biết dành trọn vẹn tình yêu thương của mình cho Thiên Chúa.

Mẹ được đầy ơn phúc, Mẹ cũng muốn cho con cái mình hạnh phúc, vì mẹ nào mẹ chẳng thương con. Mẹ tìm mọi phương thế để chúng ta được hạnh phúc. Một trong những phương thế ấy là hiện ra dạy chúng ta đọc Kinh Kính Mừng, để nhờ chiêm ngắm và suy niệm về cuộc đời của Chúa, mà yêu mến Chúa và theo Chúa mỗi ngày một trung thành hơn hầu đạt tới cõi trời vinh phúc.

Truyền khẩu rằng, trước thế kỷ XII, chưa có Kinh Kính Mừng. Các tín hữu với lòng mến Mẹ đã hái hoa hồng kết thành triều thiên dâng kính Mẹ, miệng ngâm nga mừng hát Thánh Thi. Có anh lái buôn vì lòng sùng kính Đức Mẹ, anh muốn hái hoa dâng Mẹ, nhưng vì công việc làm ăn không cho phép anh thực hiện, anh liền nghĩ ra một cách làm bù, thay vì hái hoa dâng Mẹ, anh đã đọc những lời của sứ thần Gabriel trong ngày Truyền Tin vì nghĩ rằng mỗi lần anh đọc những lời ấy cũng có giá trị như những bông hồng dâng lên Mẹ vậy. Sáng kiến ấy được nhiều người thực hành theo. Đó là gốc tích kinh Kính Mừng hay kinh Mân Côi.

Khởi đi từ lời của sứ thần Gabriel chào kính Đức Maria: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc (Lc 1,28), và lời xác nhận của bà Êlisabet : “ Em thật có phúc hơn mọi người nữ, vì Đấng em cưu mang thật diễm phúc”, Giáo hội đã dùng để chúc khen Mẹ. Đồng thời, thêm vào lời cầu khẩn xin Mẹ thương nâng đỡ phù trì “Thánh Maria ĐứcMẹ Chúa Trời... và trong giờ lâm tử”.

2. Chuỗi Ngọc Mân Côi

Tại sao tràng hạt lại gồm năm ngắm ?

Không biết tràng hạt phát xuất từ tôn giáo nào, vì không chỉ có Công Giáo có, mà cả một số tôn giáo khác nữa. Tuy nhiên, con số năm ngắm tương ứng với năm biến cố lớn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: Truyền Tin, Giáng Sinh, Phục Sinh, Thăng Thiên, Mẹ Lên Trời.

Tại sao lại có tràng hạt mười lăm ngắm ?

Thánh Vinh Sơn Ferrier Dòng Đaminh (1350-1419) đã soạn ra ngắm Đàng Thánh Giá thứ 15 để bổ túc cho 14 chặng Đàng Thánh Gía, vì ơn cứu độ của con người không kết thúc một cách bi đát ở nấm mồ, thì mười lăm ngắm khi đọc kinh Mân Côi diễn tả niềm vui này. Bởi vì bản chất của kinh Mân Côi nói lên niềm vui ơn cứu độ.

Tại sao lại có ba mùa Vui – Thương – Mừng?

Cách chia này do Alain de la Roche (1428-1475) và được đức Pio V chấp nhận và cho công bố ngày 17-9-1569. Niềm vui ơn cứu độ do Đức Maria khai mào từ lúc Ngôi Lời nhập thể (Vui) ; Tử Nạn (Thương) ; đến sống lại vinh quang (Mừng).

Ngày 16/10/2002 II trong Tông Thư gởi các tín hữu về “Mầu Nhiệm Rất Thánh Mân Côi” Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II thêm vào Năm Sự Sáng, nhằm suy niệm năm biến cố lớn trong chương trình cứu chuộc loài người.

Tại sao đọc 150 kinh kính mừng?

Từ trước Công Đồng Vat.II chỉ có hàng giáo sĩ mới đọc Kinh Phụng Vụ gồm 150 Thánh vịnh, giáo dân không được tham dự giờ kinh này. Mà ta biết mỗi câu Tv đều nhắc đến một biến cố cứu độ trong lịch sử. Nên đọc và suy gẫm hết 150 Tv thì cũng có nghĩa là đọc và suy gẫm toàn bộ Thánh Kinh. Vậy người giáo dân không có điều kiện đọc Kinh Phụng Vụ, thì người ta đọc 150 kinh Kính Mừng để nói: Niềm vui ơn cứu độ.

3. Ơn phúc bởi đọc Kinh Kính Mừng

Vì muốn con cái mình hạnh phúc, nên mỗi lần hiện ra là một lần nhắn nhủ : “Hãy năng lần hạt Mân Côi”. Làm theo lời dặn dò của Mẹ, Hội Thánh đã thoát nhiều cơn giông tố hiểm nguy xác hồn, phá tan được bao bè rối, mang lại bình an trong tâm hồn. Vậy, hãy biến đời mình thánh chuỗi Mân Côi.

Thế thì, dù bận đến đâu cũng đừng bỏ lễ Chúa Nhật và lễ Trọng buộc. Dù mệt đến đâu cũng đừng bỏ đọc Kinh Kính Mừng, bởi “Mẹ Maria chúc phúc cho những ai đọc Kinh Kính Mừng” (St Bênađô).

Nhiều bạn trẻ cho rằng : Thời buổi khoa học, ai còn tụng niệm như mấy ông già bà cả nữa. Không đâu, Louis Pas- teur, Giám Đốc Viện nghiên cứu vi trùng học quốc tế, Giáo sư chuyên khoa Đại Học hoá học và sinh vật học cho chúng ta kinh nghiệm : động lực để nghiên cứu khoa học lại là Kinh Kính Mừng. Ông lần hạt khi đi trên Métro, nam sinh nữ tú chê ông quê mùa, mà không hay biết ông là người thầy của mình.

Thế giới ngày hôm nay tục hóa, con người sống như thể không có Thiên Chúa. Nếu bị ma quỉ cám dỗ, sự xấu, người xấu lôi kéo, hãy đọc Kinh Kính Mừng, vì: “Kinh Kính Mừng làm cho Quỉ Dữ trốn chạy, Hỏa Ngục run sợ” (Lời thánh Anphongsô). Nếu con cái hư đốn, chồng không trung thủy, vợ bất trung thành, hãy đọc Kinh Kính Mừng: “Nhờ Kinh Kính Mừng, biết bao tội nhân bỏ đường tội lỗi, bao linh hồn đã tiến cao trên đường trọn lành. Biết bao người được ơn chết lành và hưởng phúc Thiên đàng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô vừa quyết định mời gọi tất cả các tín hữu, trên toàn thế giới, lần hạt Mân Côi mỗi ngày, trong suốt tháng Mười là tháng Đức Mẹ, để hiệp thông và ăn năn đền tội cùng toàn thể dân Chúa, đồng thời cầu xin rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời và Tổng Lãnh Thiên Thần Micae bảo vệ Giáo Hội khỏi quỷ dữ, là kẻ luôn tìm cách tách chúng ta khỏi Thiên Chúa và chia rẽ với nhau.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Mân Côi, xin cho mỗi người chúng ta, cách riêng trong tháng này, cũng biết yêu mến tràng hạt Mân Côi. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Các Bài Viết Khác: