St. Vincent Liem Parish

Lời Quý Cha

  Nov 17th, 2018

MỪNG NĂM THÁNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM (1988-2018)

ĐỨC HIẾU HÒA NƠI CÁC THÁNH ĐẶC BIỆT LÀ THÁNH VINH SƠN PHẠM HIẾU LIÊM

Kính thưa quý Cụ quý Ông Bà và Anh Chị Em. Năm nay, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đặt là năm Thánh các Thánh Tử Đạo Việt Nam kể từ ngày 19/06/2018 -24/11/2018 vì Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao Lô Đệ Nhị đã phong Hiển Thánh cho Cha Ông Chúng ta cách đây 30 năm (19/06/1988). Trong đó có Thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm O.P mà Giáo Xứ chúng ta đã nhận Ngài là Bổn Mạng.

Vào cuối tuần ngày 17 và 18/11/2018, toàn thể Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mừng trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam, họ là ông, là bà, là người thân của chúng ta đã dám hy sinh đến giọt máu cuối cùng để làm chứng đức tin. Máu đào đổ ra này không có nghĩa là cha ông chúng ta vì bị bắt bớ đạo nên dùng gươm giáo hay gậy gộc để chống lại, cũng không phải là câu giặc đến nhà đàn bà phải đánh. Ngược lại tất cả cha ông, họ hàng chúng ta đổ máu đào chỉ vì võ khí “là Tình Yêu” họ học được từ Thiên Chúa tỏ hiện nơi đức Ki tô. (1Ga 3,1-2) “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa. Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”.

Quý ông bà anh chị em thân mến

Nhân ngày đại lễ tôn vinh các thánh tử đạo Việt Nam, chúng con xin đề cập đến đức tính đặc biệt của các vị tuẫn giáo, sẵn sàng chịu bách hại vì lẽ công chính, đó là đức hiếu hòa, lòng bao dung. Các vị họa lại chân dung Đức Kitô, người tôi trung Thiên Chúa, Đấng đã dạy và nêu gương cho họ yêu thương cả kẻ thù và những mẫu gương sáng của họ để lại thì rất nhiều nhưng chúng con chỉ muốn dành ít dòng chữ qua đức tính mà Thánh Gia Cô Bê dậy: Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính (Gc 3:17-18).

1. Chân dung Người Tôi Trung

Khi lãnh nhận phép rửa khai mạc sứ vụ, Đức Giêsu được Chúa Cha làm chứng qua lời sấm từ trời : “Đây là Con Yêu Dấu của Ta”. Lời sấm ấy sẽ được trịnh trọng nhắc lại trên núi Tabor, chính là âm vang câu mở đầu Bài Ca về Người Tôi Trung của Giavê trong sách Isaia Đệ Nhị.

Người Tôi Trung Giavê có chân dung nhân hậu, hiền hòa và kiên nhẫn: “sẵn sàng đưa lưng cho người ta đánh” (Is 50, 6); “Bị ngược đãi, chẳng mở miệng kêu ca, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53, 7). Người Tôi Trung có sứ mạng loan báo công lý trước muôn dân, với cung cách hiền hòa : “không cãi vã, không kêu to... Cây lau bị giập, không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi công lý toàn thắng” (Mt 12, 15-21).

Ngài chỉ dẫn một cung cách sống mới cho các môn đệ : “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.”

2. Chứng nhân đức tin qua mọi thời

Kitô hữu không bất ngờ trước việc bị bách hại. “Tôi tớ không hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (Ga 15, 20). Nhưng theo gương thánh Phaolô, họ sẵn sàng vác Thập giá của Đức Kitô: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh”. (Cl 1,24)

Làm chứng cho tin mừng, kitô hữu cũng làm chứng cho tình yêu, là giới răn lớn nhất của Tin mừng. Vác thập giá theo Đức Kitô, chính là lấy tình yêu để chu toàn việc bổn phận hằng ngày, và theo gương Thầy trên đỉnh cao thập giá, họ sẵn sàng bao dung tha thứ cho những kẻ giết hại mình.

Vị chứng nhân tiên khởi, thánh Stêphanô đã làm thế khi cầu nguyện cho đám đông ném đá : “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”. Thánh nữ Maria Goretti trong vũng máu vẫn xin mọi người tha thứ cho kẻ sát nhân Alexan- dre. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô đã đến thăm và tha thứ cho Ali Acca, sát thủ đã bắn ngài trọng thương.

3. Chân dung các thánh tử đạo Việt Nam

Lòng bao dung thứ tha chính là điểm sáng nơi các thánh tử đạo Việt Nam. Các vị chắc chắn không đồng ý với bản án bất công, nhưng như Đức Giêsu trên thánh giá vẫn cầu nguyện cho kẻ giết hại mình, các chứng nhân tử đạo vẫn tiếp tục yêu thương vua quan và chính những người hành xử mình.

Thánh linh mục Gagelin Kính gửi thư cho bạn bè : “Tôi sẵn lòng tha thứ cho những kẻ áp bức tôi”.

Thánh linh mục Vénard Ven, khi viên quan nói : “Tôi phải theo lệnh vua, đừng giận tôi nhé”, đã trả lời : “Tôi chẳng ghét gì ai cả, tôi sẽ cầu nguyện nhiều cho quan”.

Cụ Hoàng Lương Cảnh làm cho quan quân phá lên cười, vì khi họ yêu cầu, cụ đọc lời kinh sau : “Cầu Chúa Giêsu, xin cho vua quan trị nước cho yên càng ngày càng thịnh”. Thánh Phan Văn Minh trong tù đã giải tội cho kẻ dẫn lối cho quan quân bắt ngài. Cũng vậy, thánh Đặng Đình Viên, trên đường ra pháp trường, ban phép lành xá giải cho hai phụ nữ tố giác nơi cha trú ẩn. Thánh Lê Văn Phụng tại pháp trường nhắn nhủ với con trai : “Con ơi, hãy tha thứ, đừng tìm báo thù kẻ tố giác ba nhé”. Và dặn dò các thân hữu : “Hãy tha thứ các bạn ơi. Hãy tha thứ, vì chính tôi đã thứ tha”.

Việc chiêm ngưỡng đức hiếu hòa của các vị tử đạo cho phép chúng ta mường tượng ra khuôn mặt các ngài : không một chút bất mãn tức tối, không một chút oán ghét hận thù, ánh mắt và nụ cười của các ngài toát lên nét dịu hiền thông cảm. Và, còn hơn thế nữa, các ngài tràn trề hân hoan ngước nhìn về trời cao vì trong thâm tâm, các ngài tin tưởng rằng : cái chết tử đạo là cái chết vinh quang, sẽ khai mở cho các ngài vào cuộc sống mới muôn đời bất diệt.

Niềm tin phục sinh các thánh tử đạo

Với các vị tử đạo, cái chết chính là cuộc thử thách cuối cùng mà họ sẵn sàng mong đợi. Thày Hà Trọng Mậu đại diện cho anh em nói với quan : “Thưa quan, chúng tôi mong ước về bên Chúa như nai mong tìm thấy suối vậy”.

Ông Án Khảm vui vẻ chào mọi người : “Cha con chúng tôi hôm nay vào nước thiên đàng đây”. Cha Đa Minh Hạnh cũng tươi tỉnh nói : “Anh em ở lại, chúng tôi đi về thiên đàng nhé”. Ông Gioan Cỏn đã nói khi thấy người anh em sụt sùi nước mắt : “Sao anh lại khóc, lẽ ra phải mừng cho tôi chứ”.

Trong những bức thư trao đổi với gia đình và bạn bè, các vị tử đạo không chào vĩnh biệt ai cả mà chỉ chào tạm biệt, hẹn ngày tái ngộ. Thày Nguyễn Đình Uyển trả lời thắc mắc kẻ dọa chém đầu mà thấy thày không sợ rằng : “Hãy chém đi, đến ngày phán xét, tôi lại được cái đầu khác”.

Linh mục Nguyễn Văn Xuyên diễn tả niềm tin này như sau : “Thưa quan, tôi chọn cái chết để được sống đời đời, hơn là nghe quan sống thêm ít lâu rồi muôn đời bị tiêu diệt”. Linh mục Lê Bảo Tịnh thì nói : “Thân xác tôi đây, các ông muốn làm gì thì làm, tôi sẵn sàng không oán thán, nó chết đi, nhưng mai này sẽ sống lại vinh quang”.

Như khúc khải hoàn ca

Hình ảnh tuyệt đẹp về niềm tin phục sinh của các thánh tử đạo Viiệt Nam là linh mục Phạm Khắc Khoan, và hai thày Đinh Văn Thanh, Nguyễn Văn Hiếu. Trong trại giam cũng như trên đường ra pháp trường, ba vị đã cùng hát vang kinh Tạ Ơn (Te Deum). Lời kinh nối kết với hội thánh sơ khai khi bách hại chấm dứt. Lời kinh tràn trề tin tưởng, phó thác cho Thiên Chúa, và nối kết với cộng đoàn các thánh trên Thiên quốc :

“... Đoàn tử đạo quang huy hùng dũng
Máu đào đổ ra minh chứng về Ngài...
Xin được hợp đoàn cùng muôn thần thánh, Thiên quốc : “
... Đoàn tử đạo quang huy hùng dũng
Máu đào đổ ra minh chứng về Ngài...
Xin được hợp đoàn cùng muôn thần thánh,
Phúc miên trường vui hưởng ánh vinh quang”.

Rồi ngay tại pháp trường, ba vị lại tiếp tục cầu nguyện bằng thánh ca. Như trong đêm phục sinh, cha Khoan hát ba lần lời Allêluia, mỗi lần với cung giọng cao hơn. Xen kẽ vào đó, hai thày giảng cùng hát thay cộng đoàn theo cao độ của vị chủ sự : Allêluia, Allêluia, Allêluia.

4. Chân dung Thánh Vinh Sơn Pham Hiếu Liêm Hòa Bình (Vincente de la Paz) bổn mạng giáo xứ chúng ta

Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm mở mắt chào đời năm 1732 tại Thôn Đông, làng Trà Lũ, Phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ. Thân phụ cậu, ông Antôn Doãn, là một thân hào trong thôn. Thân mẫu cậu, bà Maria Doãn, một người mẹ đạo đức, đã hết mình với việc giáo dục con cái. Năm 12 tuổi, cậu Liêm vào tu học trong nhà Đức Chúa Trời ở Lục Thủy. Qua sáu năm học tập, cậu đã tỏ ra là người thông minh đạo đức, nên được các cha đòng Đaminh thời đó đang phụ trách giáo phận Đông Đàng Ngoài để ý. Cha chính Espinoza Huy đã chọn cậu vào số các thanh niên hưởng học bổng của Vua Tây Ban Nha, du học Manila (Phi Luật Tân) tại trường Juan de Letran.

Sau ba năm học thành công xuất sắc, thày Liêm xin gia nhập dòng Đaminh và lãnh tu phục ngày 9.9.1753. Năm sau, thày tuyên khấn trọng thể cùng với ba tu sĩ đồng hương và lấy biệt hiệu là Vinh Sơn Hòa Bình (Vincente de la Paz). Tiếp đó, thày Vinh Sơn học thêm bốn năm thần học và được thụ phong linh mục năm 1758.

Thụ phong linh mục rồi, cha Liêm liền chuẩn bị trở về phục vụ quê hương. Ngày 3.10 năm đó, khi giã từ các giáo hữu và thân hữu để xuống tàu hồi hương, cha không thể giấu nổi niềm xúc cảm với bao lưu luyến những bạn bè quen thuộc trong tám năm qua. Về đến Trung Linh ngày 20.1.1759, cha đã không cầm nổi nước mắt, vì vui mừng được gặp lại cha chính Huy ra đón tận bến đò, được tái ngộ cùng thân quyến, đồng bào, xóm làng, và nhất là giáo hữu đang nôn nao đón chờ ngày “vinh quy” của vị linh mục du học hải ngoại.

a. Người loan báo Tin Mừng của sứ vụ Hòa Bình

Về Việt Nam, trước hết cha Vinh Sơn được bổ nhiệm làm giáo sư chủng viện Trung Linh. Cha đã đem hết tài trí và nhiệt thành truyền đạt cho các chủng sinh những kiến thức cha đã thu thập được. Nhưng nguyện vọng của linh mục Vinh Sơn Hòa Bình lại là loan báo Tin Mừng bình an cho anh em. Và chẳng bao lâu, cha rời chủng viện dấn thân vào cánh đồng truyền giáo. Cha lần lượt đảm nhiệm các xứ Quất Lâm, Lục Thủy, Trung Lễ, Trung Linh, Trung Lao, và từ khi cha Jacinto Gia bị bắt, cha kiêm luôn cả xứ Lai Ổn.

Hoạt động tông đồ của cha không chỉ hạn hẹp trong các giáo xứ, mà còn mở rộng đến các làng ngoại giáo, bất chấp những khó khăn nguy hiểm của thời cấm cách, nhất là từ thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782). Tại bất cứ nơi nào, cha cũng luôn nhiệt tình yêu thương, giúp đỡ mọi người, nên ai cũng hết lòng thương mến. Cha khích lệ mọi người thêm can đảm, cha an ủi những người buồn sầu, và không nề hà bất cứ điều gì vì lợi ích thiêng liêng của họ.

Dầu thành công trong công tác, cha Liêm không bao giờ tự mãn với chính mình. Trong các thư của cha, ta còn đọc được : “Xin Đức cha và cha Bề trên cầu nguyện cùng Chúa cho con, khi dâng lễ và trong kinh nguyện, để mỗi ngày con được hoàn thiện hơn, vui lòng đón nhận những khốn khó theo ý Chúa”. Một ông hoàng, em thứ sáu của chúa Trịnh Doanh trước khi từ trần đã lãnh bí tích Thánh tẩy nhờ công của các vị thừa sai, cha Liêm đón nhận tin đó như niềm vui của Giáo Hội Việt Nam, và loan báo cho bề trên Giám tỉnh ở Manila.

b. Noi gương Ngài tiếp tục sứ mạng Hòa Bình:

Với với đức tính hiếu hòa, khoan dung hay hòa bình từ nơi Chúa Ki Tô , nơi các Vị Thánh và nhất là với vị Thánh Bổn Mạng Giáo Xứ chúng ta. Ngài luôn trung thành với sứ mạng Chúa trao, sẵn sàng đối đáp và trình bày niềm tin một cách can đảm với mọi khuynh hướng triết lý sống khác nhau nhưng luôn với thái độ hiếu hòa và đem lại bình an cho mọi người.

Nguyện xin các vị tiền bối giúp chúng ta luôn sống bao dung, nhân ái và hiếu hòa, làm chứng cho Chúa giữa lòng đời, để mai sau được đoàn tụ với các Ngài.

(Xc. tài Liệu Uống Nước Nhớ Nguồn)

Các Bài Viết Khác: