St. Vincent Liem Parish

Lời Quý Cha

  Jan 10th, 2020

TÔN KÍNH TỔ TIÊN

Anh chị em thân mến,

Tháng 10-2019, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã công bố văn kiện về “Tôn kính tổ tiên”, với nhiều nội dung mới, bổ sung cho các hướng dẫn và quyết nghị trước đây của Hội đồng Giám mục (HĐGM) năm 1965 và năm 1974 [1].

Hướng dẫn 1965 và quyết nghị 1974 [2]

Trong thông cáo 1965, HĐGM khẳng định về truyền thống hội nhập văn hóa của giáo hội. “Trải qua các thế kỷ, giáo hội đã thánh hóa những phong tục và những truyền thống chân chính của các dân tộc, đã nhiều lần đem nghi lễ của miền này, xứ nọ sát nhập vào nền phụng vụ của mình…”. “Những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với tổ tiên, giáo hội chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích... Những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng, là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo ảnh, hình, dựng tượng nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ, giỗ) thì được thi hành và tham dự cách chủ động”.

Quyết nghị HĐGM 1974 có các chỉ dẫn cụ thể sau :

1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như hồn-bạch…

2. Việc đốt nhang hương, đèn nến, trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.

3. Ngày giỗ cũng là ngày kỵ nhật, được cúng giỗ trong gia đình theo phong tục địa phương… sử dụng những lễ vật để biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn ông bà, như dâng hoa trái, hương đèn.

4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm “lễ tổ, lễ gia tiên” trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏlòng biết ơn, hiếu kính trình diện với Ông Bà.

5. Trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏlòng cung kính người đã khuất, cũng như giáo hội đã cho đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố.

6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng, quen gọi là “Phúc Thần” tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc, hoặc là ân nhân của dân làng.

Lòng thảo hiếu là hoa trái của Thánh Thần

Trước tiên, văn kiện Tôn kính tổ tiên 2019 tái khẳng định: thảo kính cha mẹ là điều răn thứ bốn trong mười điều răn Đức Chúa Trời. Giáo hội luôn coi gia đình là nền tảng đểtừ đó xác định những tương quan khác trong thân tộc. Tương quan này không thu hẹp trong gia đình thân tộc hiện tại, nhưng tồn tại với thời gian qua các thế hệ, tạo thành tương quan với tiền nhân và hậu duệ. Mọi phần tửtrong gia tộc nối kết với nhau, con cháu thảo hiếu với ông bà tổ tiên, phải sống tình nghĩa với họ hàng và cha mẹhiền lành để đức cho con.

Hội đồng giám mục nhìn nhận tại Việt Nam và vùng Á Đông, ảnh hưởng nền văn hóa Tam Giáo, đặc biệt đề cao lòng tôn kính thảo hiếu với tổ tiên, như là những hạt giống tin mừng phát xuất từ Chúa Thánh Thần : “Chính Thần Khí, Ðấng gieo ‘những hạt giống Lời’ hiện diện trong các tập quán và văn hoá khác nhau, chuẩn bị cho chúng được trưởng thành đầy đủ trong Chúa Kitô” (Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Thế” số 28).

Sống mầu nhiệm các thánh cùng thông công

Chúng ta hiệp thông sâu sắc với ông bà tiên tổ nhờ mầu nhiệm “Các thánh cùng thông công”. Chúng ta tin chết không phải là hết mà là bước vào cuộc sống mới. “Chúa phán : Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác và Thiên Chúa của Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” (Mt 22,32).

Chúng ta tin rằng ông bà cha mẹ giã từ trần gian là để về sống bên Chúa, các ngài có thể chuyển cầu xin Chúa ban phúc lành cho con cháu. Chúng ta cũng cậy nhờ phúc ấm của “cha ông chúng ta qua các thếhệ..., công đức các ngài không chìm vào quên lãng. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. (Hc 44, 1-14)

Mỗi gia đình nên có bàn thờ gia tiên

Không chỉ là cho phép, HĐGM “khuyến khích” mỗi gia đình Công giáo nên lập bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên, có treo di ảnh của ông bà hoặc họ hàng thân thuộc, miễn là đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình.

Nên tiến hành nghi thức trước bàn thờ gia tiên trong lễ cưới và lễ tang, như một nghi thức xã hội dân sự, cùng với lời nguyện dâng lên Chúa nhằm thánh hóa và mang lại ý nghĩa thiêng liêng cho nghi thức này. Văn kiện cũng giới thiệu nhiều lời kinh mẫu nhưng khẳng định không phải là phụng vụ, nghĩa là được tựdo thêm bớt, thay đổi hoặc sáng tác.

Trong nghi lễ, lời khuyên của cha mẹ, chú bác cần làm sáng tỏ giáo lý tin mừng, khi chia sẻ kinh nghiệm, nhắc nhở ý nghĩa mục đích hôn nhân Công giáo, nhấn mạnh lòng biết ơn hiếu thảo với tổ tiên, và niềm tin vào Đức Kitô phục sinh.

Lễ gia tiên tại gia đình lương dân

Ngoài ra, các tín hữu là dâu hay rể trong gia đình lương dân có thể đảm đương việc tổ chức và cùng với gia đình cúng giỗ gia tiên. Đó là cách chứng tỏ kitô hữu cũng thực hành việc thờ kính tổ tiên : “Để giữ tình thuận thảo với gia đình đôi bên, họ và con cái có thể sắm sửa, chuẩn bị và dâng lễ vật trên bàn thờ gia tiên, vái hương trước di ảnh tổ tiên”.

Riêng về đồ cúng, thánh Phaolô đã cho phép ăn trong thư Côrintô : “vì biết rằng ngẫu tượng chẳng là gì trên thế gian, và cũng chẳng có thần nào ngoài Thiên Chúa duy nhất”. Nhưng nên từ chối vì đức bác ái : “nếu của ăn làm cớ cho anh em tôi sa ngã, tôi sẽ không bao giờ ăn” (1Cr 8, 4.13).

Thực hành văn kiện “Tôn kính tổ tiên”

Ước mong các huynh đoàn góp phần phổ biến văn kiện của Hội đồng Giám mục. Cuộc hội nhập thờ kính tổ tiên chỉ trọn vẹn khi tạo thành nề nếp, được cử hành sốt sáng trong từng mái ấm và có khả năng truyền tụng đời nọ đến đời kia.

Trong một xã hội thực dụng, cần kiên trì bảo vệ cổ võ các giá trị truyền thống gia đình, nỗ lực giúp người trẻ không quên cội nguồn, biết phát huy di sản tổ tiên, quý trọng nềnếp gia phong, và thực hiện tâm nguyện của các vị tiền bối.

Cuối cùng xin ghi nhớ và phổ biến các bài thánh ca “cầu cho cha mẹ”, đã góp phần không nhỏ trong việc nuôi dưỡng và giới thiệu cho lương dân biết về lòng hiếu thảo của người có đức tin. Họ luôn cầu cho cha mẹ, dù còn ở trần gian hay đã về thiên quốc. Trong tâm tình ấy, chúng ta xin cùng hát lên lời ca nguyện : “Xin Chúa í a chúc lành, cho đời cha mẹ của con. Công ơn là như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn”. Và “Xin Chúa cho cha mẹ con được sống mãi sống hoài trong tình thương Chúa...”

[1] Xin xem lá thư đặc trách tháng 11/2017 về Đạo Hiếu

[2] Sacerdos Linh mục nguyệt san số 156, năm 1974, tr. 878-880.

Nguồn: daminhvn.net

Các Bài Viết Khác: